Được sự chỉ đạo của BGH trường Mẫu giáo Thông Bình, ngày từ đầu năm học giáo viên lớp Mầm 1 cũng như các lớp khác đã thực hiện việc trang trí lớp học theo hướng STEM để đưa vào giảng dạy cho trẻ của lớp. Việc tạo cho trẻ môi trường học tập vui chơi thoải mái là một trong những cách thức giáo dục phù hợp và hết sức cần thiết của phương pháp STEM mầm non.
STEM là một phương pháp mới đối với giáo viên nên để thiết kế lớp học, bố trí các góc hoạt động sao cho đúng màu sắc STEM đó cũng là khó khăn lớn đối với giáo viên đứng lớp, bằng sự nỗ lực và cố gắng học hỏi từ các giáo viên được cử đi tập huấn cũng như tham khảo trên các trang website của các trường bạn, giáo viên đã bước đầu hiểu được bản chất của STEM từ đó định hình được mình phải làm gì để có được môi trường hoạt động theo phương pháp STEM cho trẻ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của lớp mình.
Tôi và cô dạy chung lớp đã sắp xếp, bố trí 5 góc chơi ở lớp sao cho khoa học và phù hợp với tầm tay của trẻ để trẻ có thể dễ dàng hoạt động, thao tác liên kết giữa các góc với nhau, sử dụng đồ dùng của góc này phục vụ cho góc kia một cách hợp lý, nhằm đạt hiệu quả cao trong hoạt động. Qua tìm tòi học hỏi chúng tôi thực hiện trang trí lớp mình như sau:
Góc nghệ thuật: Cô sử dụng những nguyên vật liệu tái chế như lõi giấy, bìa carton, đĩa CD, nắp nhựa, chai lọ, cốc giấy,…Để làm ra các đồ chơi ở góc đẹp mắt, trẻ sẽ được thỏa sức học và khám phá, hứng thú khi tham gia chơi.
Góc phân vai: Mua và sưu tầm một số đồ dùng phục vụ học như: bảng tên góc làm từ bìa catton, đồ chơi nấu ăn làm từ steam, những đồ dùng sáng tạo khác, bố trí góc ở phía cửa sổ nhiều ánh sáng thuận tiện cho học sinh học và quan sát.
Góc xây dựng: Góc xây dựng mầm non STEM không chỉ là nơi trẻ thỏa sức sáng tạo mà còn giúp phát triển tư duy logic, khả năng tư duy toán học và khoa học thông qua các hoạt động thực hành. Lựa chọn không gian cho trẻ rộng rãi, thoáng đãng và dễ tiếp cận cho trẻ. Đảm bảo không gian có đủ ánh sáng và an toàn.các dụng cụ học tập và đồ chơi STEM như: khối xếp hình, dụng cụ xây dựng đơn giản, vật liệu tái chế.
Góc kĩ năng: rèn luyện và hình thành các kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận thức, tư duy, xác định mục tiêu, xử lý tình huống… giúp phát triển nhận thức cho trẻ mầm non về mọi mặt, giao tiếp với bạn bè, rèn cho trẻ sự kiên trì, thích thú tỏa sức sáng tạo khi chơi.
Góc thư viện: Có thể bày trí góc thư viện theo hướng mở, phong cách hiện đại, khoa học,… Các cô tận dụng sự sáng tạo của mình để trang trí cho góc thư viện có sự hấp dẫn và thu hút trẻ với những nguyên vật liệu có sẵn như: giấy, tranh vẽ, đồ dùng học tập để trang trí góc thư viện, những đồ vật dụng sẽ được đặt trong góc này như kệ sách, các bàn ghế cho bé ngồi đọc sách, thảm xốp…Góc bé vui học toán:Trang trí những hình ảnh nhiều màu sắc ở góc gây sự thu hút , tò mò muốn khám phá, qua đó giúp trẻ tiếp thu những kiến thức toán học dễ dàng và yêu thích khi được chơi ở góc này.
Để tạo ra một môi trường học tập mới theo phương pháp STEM thì người giáo viên phải tìm tòi, học hỏi để tạo ra nhiều mẫu đồ dùng, đồ chơi phong phú, đa dạng, hấp dẫn, gây sự hứng thú và phải phù hợp với trẻ. Từ đây trẻ sẽ được học tập, trải nghiệm và khám phá, qua đó kích thích được sự sáng tạo, rèn luyện được sự khéo léo, bền bỉ, khuyến khích trẻ thực hiện những thử nghiệm mới, luyện tập các kỹ năng cần thiết cho trẻ, dạy trẻ cách giải quyết vấn đề, cách làm việc theo nhóm và sử dụng công nghệ nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện cho trẻ.
Nguồn: Trường Mẫu giáo Thông Bình
Người viết: Lê Thị Giàu