“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”
Chắc hẳn khi các bậc phụ huynh đưa con đến trường không khỏi quan tâm lo lắng rằng “Ở trường con mình được cô giáo dạy dỗ như thế nào? Được học, được chơi gì? Ăn, ngủ ra sao?…”
Một ngày ở Trường Mẫu Giáo Thông Bình các bé được tham gia vào rất nhiều các hoạt động, các bé được học thông qua việc chơi, giao tiếp và các việc làm phù hợp với lứa tuổi dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Trong suốt thời gian này bé được các cô giáo chăm sóc và tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, rèn nền nếp một cách nhịp nhàng, phù hợp, đảm bảo đúng theo chương trình giáo dục mầm non mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Để tìm hiểu rõ hơn mời các bậc phụ huynh cùng theo dõi thời gian hoạt động một ngày của bé lớp Mầm 1 diễn ra với các hoạt động sau:
Đón trẻ: Đây là thời điểm mà giáo viên và phụ huynh trao đổi qua lại với nhau về tình hình sức khoẻ của trẻ cũng như về nền nếp thói quen, học tập, vui chơi, vệ sinh, ăn ngủ…của trẻ ở trường cũng như ở nhà. Qua đó giúp phụ huynh được yên tâm hơn khi gửi con của mình ở trường; còn cô giáo sẽ nắm rõ hơn về thói quen của trẻ ở nhà để chăm sóc tốt hơn cho trẻ khi ở trường.
Thể dục sáng: Những bài tập nhẹ nhàng, vui nhộn tạo tâm thế vui vẻ, phấn khởi với một ngày mới thật nhiều năng lượng, giúp trẻ rèn luyện sức khoẻ cho bản thân.
Hoạt động học: Là thời điểm quan trọng nhất trong một ngày sinh hoạt của bé ở trường. Đây là hoạt động “chơi mà học, học bằng chơi”. Trẻ đến trường được cùng học cùng chơi với bạn bè, cô giáo. Thông qua các hoạt động mà giáo viên tổ chức như là làm quen với toán, khám phá khoa học, các câu chuyện bài thơ , các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ, … thông qua đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện nhất.
Làm thiệp tặng mẹ 20/10
Hoạt động chơi góc: Đây là hoạt động mà trẻ được thể hiện hết tài năng vốn có của mình, biết hợp tác, liên kết cùng bạn trong khi chơi…
Hoạt động ngoài trời: Sau giờ học trên lớp các bé tham gia hoạt động ngoài trời cùng với các bạn, với cô, được tham gia các trò chơi, được thư giãn ngoài trời, theo ý thích…
Vệ sinh: Sau khi chơi, bé được rèn luyện kỹ năng tự phục vụ, biết rửa tay bằng xà phòng lau mặt bằng khăn đúng quy trình.Ăn trưa: Bữa ăn trưa là rất quan trọng đối với trẻ khi ở trường. Món ăn đảm bảo đủ các chất và an toàn vệ sinh thực phẩm.Thực đơn được thay đổi hàng ngày với thực phẩm phong phú phù hợp với trẻ và điều kiện thực tế ở địa phương. Mỗi bữa ăn chính gồm có: Cơm, món ăn mặn và canh. Luôn đảm bảo khẩu phần ăn cho trẻ trong mỗi bữa ăn, trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để phát triển tốt và khoẻ mạnh.
Ngủ trưa: Sau bữa ăn chính trẻ sẽ được vệ sinh sạch sẽ và vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn và được ngủ trưa đúng giờ, đủ giấc. Sau giấc ngủ trưa, bé thức dậy vệ sinh cá nhân và chuẩn bị ăn bữa xế với những món ăn như: Súp cua, cháo, hủ tiếu, phở, bún cá,…khẩu phần ăn của trẻ luôn được đảm bảo.
Hoạt động chiều: Đây là hoạt động không chỉ giúp trẻ ôn luyện kiến thức, kỹ năng mà cô đã cung cấp trong ngày, trẻ còn được tham gia các hoạt động vui chơi khác…
Hoạt động nêu gương- trả trẻ: Nêu gương là hoạt động nhận xét tương dương trẻ sau một ngày học tập vui chơi ở lớp nhằm giúp trẻ biết nêu gương các bạn, từ đó trẻ sẽ thường xuyên làm các việc tốt hàng ngày và chấp hành nội quy của lớp. Qua đó trẻ biết chơi đoàn kết, hợp tác, yêu thương, quan tâm và chia sẽ với bạn trong lớp.
Trả trẻ: Đây là thời điểm các bé sẽ rất háo hức gặp lại người thân của mình và là lúc phụ huynh trao đổi thông tin với cô giáo để nắm bắt tình hình sinh hoạt trong ngày của con mình ở trường, lớp.
Một ngày trẻ ở trường sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động và được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non. Trẻ được học các kiến thức bổ ích phù hợp với độ tuổi, được vui chơi, được học các kỹ năng sống, được chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ một cách khoa học. Bởi ở trường mầm non là nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục để trẻ phát triển một cách toàn diện về Đức – Trí – Thể – Mỹ và lao động. Chính vì vậy các bậc phụ huynh hãy yên tâm khi gửi trẻ học ở trường Mẫu Giáo Thông Bình nhé!
Nguồn: Trường Mẫu giáo Thông Bình
Người viết: Lê Thị Giàu